Giá thép không được
vượt quá 8.000 đồng/kg
(VietNamNet)- Thông tin từ Bộ Thương
mại cho hay, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VSC) yêu cầu các cửa hàng và
đại lý phân phối thép của tổng công ty không được bán thép vượt mức giá
8.000 đồng/kg.
Yêu cầu này được thể hiện
trong một quyết định của tổng công ty sản xuất thép lớn nhất nước này về
mức giá thép xây dựng đối với tổng công ty và các công ty thành viên.
Quyết định này của VSC vừa được đưa ra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính
phủ.
|
Giá thép phân
phối không được vượt quá 8.000 đồng/kg |
Theo Bộ Thương mại, VSC
đã thống nhất giá tối thiểu loại thép tròn xây dựng làm cột bê tông
(thép cuộn lẫn thép cây) ở mức 7.000 đồng/kg và mức tối đa là 7.450
đồng/kg.
Các mức giá nói trên là
giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm thuế VAT. Các đơn vị thành viên của
VSC được chính thức yêu cầu định giá bán cụ thể trong phạm vi khung giá
trên, đảm bảo giá bán ra tại các cửa hàng, chi nhánh trực thuộc và các
thị trường lớn không vượt quá 8.000đồng/kg (bao gồm cả thuế VAT).
VSC cũng yêu cầu các công
ty thành viên ngưng bán hàng cho các DN tư nhân hoặc đầu nậu thao túng
thị trường, đồng thời chuyển những khách hàng có khả năng tăng giá ngoài
khung giá của tổng công ty thành đại lý. Theo VSC, việc chuyển đại lý sẽ
hạn chế tình trạng tăng giá tùy tiện của các đơn vị phân phối vì được
khống chế bằng chính sách hoa hồng, đại lý bán theo giá của nhà cung cấp
và hưởng chiết khấu thỏa thuận.
Bộ Thương mại cho biết
Tổng công ty Thép Việt Nam và các nhà sản xuất thép phải có trách nhiệm
kiểm tra, yêu cầu đại lý, cửa hàng niêm yết công khai giá bán. Nếu đơn
vị nào vi phạm sẽ cắt hợp đồng đại lý. Giải pháp mà VSC đưa ra nhằm
hướng tới xây dựng hệ thống đại lý hưởng chiết khấu hoa hồng thay vì mua
đứt bán đoạn như hiện nay.
Theo Bộ Thương mại, đây
được xem là động thái mạnh của VSC sau khi Ban lãnh đạo của Tổng Công ty
này bị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
kiểm điểm
nghiêm khắc.
Vừa qua VSC và các thành
viên đã phải trãi qua một cuộc thanh tra của chính phủ liên quan đến giá
thép trong năm 2004. Tổng công ty này được cho là không thực hiện đúng
vai trò chỉ đạo của DN nhà nước đối với sản phẩm thép, ngành mà gần 50%
thị trường được chi phối bởi khu vực kinh tế quốc doanh. Giá thép cuối
năm 2003 và trong 2004 liên tục "sốt", làm ảnh hưởng đến nhiều ngành
khác và mức giá chung của quốc gia.
Cơn "sốt" thép do sự chủ
động tăng giá của một số công ty thành viên theo mức giá tăng của thế
giới không phải thuần túy do nguyên liệu đầu vào tăng. Con số thống kê
cho thấy chỉ trong khoảng thời gian gần 1 năm, một số công ty thành viên
đã điều chỉnh giá tăng ít nhất là 10 lần và điều này dẫn đến tăng giá
của cả thị trường. Đối với đơn vị kinh tế chủ đạo nhà nước, ngoài chức
năng chính đáp ứng nhu cầu thị trường còn có nhiệm vụ bình ổn thị
trường, VSC và thành viên đã bị kiểm điểm vì đã không hoàn thành nhiệm
vụ này.
|