Thép tăng giá, các
công trình xây dựng lao đao
(VietNamNet)
- Trong vòng 2 tháng qua, giá thép đã tăng hơn 1 triệu đồng/tấn, điều
này đang đẩy các doanh nghiệp xây dựng lâm vào tình cảnh khó khăn.
Theo số liệu của Hiệp hội
Thép Việt Nam, giá thép bán ra của các doanh nghiệp hiện nay mới vào
khoảng 9,5 triệu đồng/tấn với thép cây và 9 triệu đồng/tấn với thép cuộn
(chưa có VAT). Nếu tính cả 10% thuế VAT, phí vận chuyển, hoa hồng đại lý
thì giá thép bán ra trên thị trường đang ở mức từ 10 triệu đến 10,5
triệu đồng/tấn, còn với các vùng xa thì gần 11 triệu đồng/tấn.
Tính từ giữa tháng 4/2007
đến nay, giá thép đã bị đẩy lên khá mạnh. Bắt đầu tại phía Bắc, cuối
tháng 5 đầu tháng 6/2007, giá thép đã đã tăng từ 200.000 đồng - 300.000
đồng/tấn. Sau đó đến đầu tháng 6/2007 tại phía Nam, các doanh nghiệp
cũng tăng giá bán từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/tấn.
|
Thép tăng giá mạnh, các công trình xây dựng gặp khó khăn.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Lilama.com.vn) |
Tại thị trường phía Nam,
giá thép tăng chậm và thấp hơn phía Bắc là do Công ty Thép Miền Nam giữ
giá bán thấp để đạt kế hoạch về sản lượng. Những tháng đầu năm 2007,
lượng thép tiêu thụ chậm và Công ty Thép Miền Nam đã không tăng giá.
Nhưng khi lượng thép tiêu thụ đã tăng mạnh (riêng Công ty Thép Miền Nam
trong tháng 5/2007 đã tiêu thụ tới 70.000 tấn) và khi đã đạt kế hoạch
thì công ty bắt đầu tăng giá bán từ 150.000 đồng/tấn với thép cuộn và
200.000 đồng/tấn với thép cây và các công ty thép khác đã đồng loạt tăng
giá theo.
Công ty Thép Miền Nam
cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng thêm 200.000 đồng/tấn, bắt đầu áp dụng từ
ngày 20/6 tới, đưa giá thép cây lên khoảng 9,65 triệu đồng/tấn, thép
cuộn chừng 9,2 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân là do giá phôi thép tăng quá
cao, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt nên sản lượng không đủ cung ứng cho
thị trường.
Ông Lê Ngọc Sơn - Trưởng
phòng Quan hệ Quốc tế của Công ty Thép Việt Ý cho biết, sau khi nhập
10.000 tấn thép cây mang thương hiệu Việt Ý sản xuất tại Trung Quốc về
bán hết, đến nay công ty chưa nhập thêm lô nào, do Trung Quốc đã bỏ
thoái thu thuế VAT và đánh thuế 10% với thép xuất khẩu, tính ra khi nhập
về Việt Nam giá bán cũng không chênh lệch với thép sản xuất trong nước
nhiều nên doanh nghiệp phải cân nhắc chuyện này.
Cũng theo ông Sơn, giá
thép có thể còn tăng lên tới 11 triệu đồng/tấn do giá phôi nhập khẩu
tăng cao và các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa chủ động được nguồn
phôi, vẫn phụ thuộc vào phôi nhập khẩu.
Điều này thực sự đang tác
động mạnh tới các công trình xây dựng và các doanh nghiệp xây dựng.
Ông Lương Sỹ Nhung - Tổng
giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) cho biết,
trong 2 tháng qua, giá thép tăng quá mạnh, làm cho các công trình xây
dựng nói chung gặp rất nhiều khó khăn. "Chúng tôi rất sợ vật tư tăng giá
bởi hiện nay cạnh tranh trong xây dựng rất khắt khe. Với công trình đấu
thầu không được điều chỉnh vốn khi giá vật tư biến động thì nhà thầu
phải chịu và gây thêm nhiều khó khăn cho nhà thầu", ông Nhung cho biết.
Còn với các công trình
được điều chỉnh giá khi giá vật tư biến động, cho dù có được điều chỉnh,
nhưng nhà thầu vẫn phải chi trả trước, sau đó mới làm thủ tục thanh
toán, trong khi thủ tục thanh toán lại rất nan giải. Cách tính trượt giá
vật tư, thiết bị máy móc vẫn dùng một chỉ số chung cho nên khi giá thép
hay xi măng tăng, những thiết bị máy móc khác không tăng thì khi tính
bình quân nhà thầu vẫn chịu thiệt bởi thép chiếm chi phí khá lớn (khoảng
25%) trong các công trình xây dựng.
Ông Nghiêm Sỹ Minh - Tổng
giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cho biết, khi giá thép tăng, tiến
độ các công trình sẽ chậm lại vì các nhà thầu sẽ phải ngừng lại thương
lượng với chủ đầu tư để được điều chỉnh giá.
Một số doanh nghiệp xây
dựng khác cho biết, với giá thép tăng mạnh trong thời gian ngắn như thế
này thực sự làm cho họ trở tay không kịp. Chắc chắn nhiều công trình sẽ
bị ngừng xây dựng để gây sức ép với các chủ đầu tư nhằm được điều chỉnh
giá vật tư. Mặc dù vậy, dự kiến không ít công trình sẽ phải đối mặt với
thua lỗ.
|