Người nước ngoài được mua
nhà: Có tạo ra sốt giá?
Tin Bộ Xây dựng vừa trình
Chính phủ đề án cho phép người nước ngoài được mua nhà được giới kinh
doanh địa ốc đón nhận khá nồng nhiệt. Không ít ý kiến còn cho rằng thị
trường địa ốc sẽ có một cơn sốt mới. Nhưng mọi việc chưa hẳn sẽ dễ dàng
như vậy...
21.000 người đủ điều kiện mua nhà
|
Mặc dù giá cao nhưng khu nhà
The Manor tại Hà Nội vẫn rất hút khách. Ảnh: H.V
|
Theo những quy định của đề án này thì trong
số 81.000 người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, làm ăn, sinh sống từ
2004 đến nay chỉ có khoảng 21.000 người đủ điều kiện mua một căn nhà tại
Việt Nam.
Đề án cũng quy định khá chi tiết và nhiều
điều kiện hội đủ để một người nước ngoài được sở hữu nhà.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản
lý nhà (Bộ Xây dựng), những điều kiện ràng buộc đưa ra nhằm ngăn ngừa
những trường hợp đầu cơ trong tình cảnh thị trường địa ốc nước ta cầu
vẫn lớn hơn cung.
Theo Cục Quản lý nhà, hiện Hà Nội có khoảng
1.300 căn hộ với tổng diện tích 220.000 m2 nhà cho người nước
ngoài thuê, chủ yếu ở các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Ba Đình.
TPHCM có khoảng 4.000 căn hộ với tổng diện
tích 660.000m2 đang cho người nước ngoài thuê, chủ yếu ở các
khu Phú Mỹ Hưng và các quận 1,2,3,5, Phú Nhuận.
Người nước ngoài thích thuê biệt thự, căn hộ
cao cấp. Giá thuê nhà cao hay thấp tuỳ vào diện tích, tiện nghi, địa
điểm, tại Hà Nội giá trung bình khoảng từ 700-1.000 USD/ căn hộ/ tháng.
Ở TPHCM giá cho thuê từ 1.000-1.500 USD/
tháng, cá biệt có những căn hộ lớn, biệt thự ở trung tâm TP lên đến
2.500-3.000 USD/ tháng. Thời gian thuê chủ yếu dưới 5 năm.
Tuy nhiên, người nước ngoài lại đang lo
chính sách tốt nhưng khi đi vào thực tế thì lại chậm trễ, kéo dài và gặp
nhiều rắc rối. Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Cty tư vấn và quản
lý bất động sản CBRE tại Việt Nam cho biết: “Tôi sẽ mua ngay một căn nhà
khi được phép nhưng nhìn lại chính sách cho phép Việt kiều mua nhà trong
nước tiến triển rất chậm trong những năm qua, tôi lo ngại chính sách cho
người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 1/7/2006) quy
định rõ quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở
nước ngoài (Việt kiều). Nhưng hơn một năm qua, chỉ có vài Việt kiều được
mua nhà theo luật trên.
Năm 2001, Chính phủ cũng đã ra Nghị định 80
cho phép một số đối tượng Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam nhưng 6
năm qua mới chỉ có trên dưới 100 Việt kiều được mua nhà theo Nghị định
này.
Vướng mắc lớn nhất vẫn là chờ các thông tư,
văn bản hướng dẫn thường ban hành rất chậm so với Luật, Nghị định.
Trước khi Luật Nhà ở ra đời có quy định cho Việt kiều mua nhà trong
nước, đã có ý kiến lạc quan cho rằng sẽ có 100.000 Việt kiều sẽ về Việt
Nam mua nhà và thị trường địa ốc chờ đón nhận khoảng 10 tỷ USD. Nhưng
thực tế hơn 1 năm qua, luồng vốn này rót về rất khiêm tốn, thị trường
địa ốc tan băng sau nhiều năm dẫn đến cơn sốt vừa qua chủ yếu do luồng
vốn từ trong nước.
Bên cạnh đó, luật pháp Việt Nam hiện chưa
cho phép người nước ngoài sở hữu nhà đất (gồm cả Luật Đất đai, Luật Nhà
ở, Bộ luật Dân sự). Nếu chủ trương này được thực hiện, còn phải được sự
chấp thuận của Quốc hội và phải điều chỉnh các luật liên quan cho phù
hợp.
Khó tạo ra cơn sốt địa ốc
|
Khu Phú Mỹ Hưng (TPHCM) là nơi
được nhiều người nước ngoài ưa chuộng
|
Giới kinh doanh địa ốc cũng có nhiều ý kiến
khẳng định khó có cơn sốt địa ốc mới mà nguyên nhân chính từ chủ trương
trên. Ông Trần Thanh Tuấn, giám đốc công ty địa ốc Phúc Long cho rằng
giá nhà đất tại Hà Nội, TP.HCM nơi mà có nhiều người nước ngoài muốn mua
nhà đang quá cao mà không phải người nước ngoài nào cũng có đủ tiền để
mua.
Hơn nữa, việc mua bán lại khá khó khăn và
không được cho thuê cũng sẽ ngăn cản họ mua nhà. Chính ông Nguyễn Mạnh
Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận nhóm đối
tượng được mua nhà tại Việt Nam còn hạn chế, đề án cũng chỉ thí điểm nên
chưa chắc đã tác động lớn đến thị trường địa ốc.
Ông Thomas Tung, một Việt kiều đã mua nhà
tại khu The Manor nói: “Nhiều người tính thuê nhà tốn 2.000-3.000 USD/
tháng thì mua nhà tại Việt Nam lợi hơn, nhưng nhiều người bạn nước ngoài
tôi biết đều lắc đầu khi nghe nói đến giá cả 200.000-300.000 USD/ căn
hộ, số tiền khá lớn nếu không có trợ giúp từ ngân hàng”.
Ông Park Moon Sick, GĐ kinh doanh dự án căn
hộ cao cấp V-Star cho biết nhiều người Hàn Quốc đang ký hợp đồng thuê
căn hộ cao cấp V-Star cũng đang chờ Nhà nước cho họ mua nhà để chuyển
sang mua nhưng phần lớn không đủ điều kiện nếu chiếu theo đề án của Bộ
Xây dựng. Ông Park nhận định thêm: “Với giá trên 100.000 USD cho căn hộ
trung bình tại khu Nam Sài Gòn thì với những người chỉ ở tại Việt Nam
dưới 5 năm có khi thuê lợi hơn mua”.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp
hội bất động sản TPHCM lại khẳng định chính sách trên sẽ có tác động
tích cực đến thị trường bất động sản.
Nhiều công ty địa ốc cũng mong chờ, vì theo
như ông Võ Văn Lâm, Phó Tổng giám đốc công ty địa ốc Lâm Phúc thì theo
thăm dò của công ty này, có khoảng 2.000 người nước ngoài tại TP.HCM
đang muốn mua nhà ngay. Có thể trong thời gian đầu khi mới ban hành
chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ chưa tạo thành
cơn sốt nhưng những năm tiếp theo nhu cầu của người nước ngoài sẽ tăng
cao”.
Nhưng ngay cả những ý kiến lạc quan trên
cũng không vội đưa ra nhận định sẽ có cơn sốt, vì số lượng người nước
ngoài đủ điều kiện mua nhà theo đề án trên không đủ để hút lượng hàng
lớn.
Hơn nữa, hàng loạt dự án bất động sản đã và
sẽ triển khai, hoàn thành trong vòng 2, 3 năm tới cũng cân bằng được
phần nào chênh lệch cung cầu.
Theo HÀ PHAN - Tiền Phong |